Biết tin Huỳnh Văn Nén được tại ngoại sau gần 18 năm bị cáo buộc giết thiếu phụ để cướp vàng, cụ Huỳnh Văn Truyện (90 tuổi) vội nhét vài bộ quần áo vào giỏ, đón xe đò từ Cà Mau về Tân Minh (Bình Thuận) ngay trong đêm 22/10 để gặp con. Sau ngần ấy năm ròng rã gõ cửa các cơ quan chức năng kêu oan cho con, giờ cụ phần nào thấy toại nguyện dù ông Nén chỉ được về nhà để trị bệnh và vẫn mang thân phận bị can của vụ án giết người, cướp tài sản.
"Đây là tin vui nhưng không bất ngờ vì tui tin vào công lý, trước sau gì Nén cũng được giải oan. Gặp nó yếu mòn, mắt bị mờ mà tui đau tột cùng", ông lão ở tuổi gần đất xa trời móm mém nói.
Ôm chầm lấy cha già trong giây phút hội ngộ, ông Nén rưng rưng không nói lên lời. Ông kể, quyết định được tại ngoại đến rất bất ngờ khi cán bộ trại giam đến thông báo "hôm nay anh được về với gia đình". "Chỉ ngắn gọn vậy thôi nhưng đã làm tay chân tôi bủn rủn vì quá sung sướng. Ước mong của tôi lúc đó là nhanh được về nhà sum vầy bên vợ con, người thân vì cái cảm giác bên gia đình lâu lắm rồi tôi đâu có", ông nói.
Rời trại giam với bộ quần áo đời thường, người đàn ông ở tù ngần ấy năm thấy các con phố, nhà cao tầng và cả đèn đường rất xa lạ. "Tôi chỉ nhớ mang máng một số địa điểm, con đường chính. Còn những lối nhỏ, nhà hàng xóm thì chịu, không thể biết", ông trầm ngâm.
Ngày đầu trở về với cuộc sống đời thường, nụ cười của ông Nén đầy ngại ngùng khi hàng xóm, bạn bè xưa tìm đến thăm. Đa số họ, ông không thể nhớ. Ảnh:Nguyễn Thận.
Đêm đầu tiên bên gia đình, ông thức trắng để chuyện trò, để thấy rằng đây không phải là giấc mơ. "18 năm nay tôi một mực kêu oan để là người tự do thật sự, tận hưởng được niềm hạnh phúc trước hiên nhà mỗi buổi sáng", ông chia sẻ.
Luôn bên cạnh ông những ngày này, bà Nguyễn Thị Cẩm - vợ ông - nói rằng mình là người hạnh phúc nhất. Trước đó, bà và gia đình đã nhiều lần mong mỏi sau những lá đơn kiến nghị cho ông Nén được tại ngoại gửi đi nhưng đều không có kết quả. Lần này, thông tin chồng được về bà là người biết muộn nhất bởi mọi người sợ bà sốc, nếu như có vấn đề trục trặc xảy ra. Phải đợi đến khi ông Nén bước chân ra khỏi trại giam họ mới dám báo tin. Doc bao 24h
"Nhận được điện thoại tôi mừng quá, vội cùng người em họ chạy xe máy hơn 60 km ra Phan Thiết đón chồng. Qua bao năm xa cách, giờ vợ chồng mới được đoàn tụ, ôm nhau khóc rưng rức. Tôi không còn lời nào để diễn tả được cảm xúc của mình", bà Cẩm nghẹn giọng.
Đồng hành cùng cụ Truyện trong hàng chục năm kêu oan cho Huỳnh Văn Nén, ông Nguyễn Thận (nguyên Phó chủ tịch Ủy ban mặt trận tổ quốc Việt Nam huyện Hàm Tân, Bình Thuận) cho biết không cầm được nước mắt khi thấy cái dáng nhỏ bé của Nén.
"Hai thầy trò ôm nhau trước cổng trại giam. Nén đã thụ án gần 18 năm, giờ mắt phải hầu như không nhìn thấy gì. Tôi chỉ mong cơ quan điều tra sớm có kết luận cuối cùng để Nén được thả tự do", ông Thận nói.
Theo hồ sơ vụ án, Huỳnh Văn Nén bị cho là dùng đoạn dây thừng làm hung khí giết bà Lê Thị Bông cướp chiếc nhẫn sau khi đi uống rượu, tối 23/4/1998. Hai năm sau, TAND tỉnh Bình Thuận xử sơ thẩm, tuyên phạt ông Nén tù chung thân về tội Giết người, Cướp tài sản và Cố ý hủy hoại tài sản.
Do ông Nén nộp đơn kháng cáo kêu oan quá thời hạn, ngày 12/12/2000, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP HCM không chấp nhận kháng cáo và đình chỉ xét xử phúc thẩm.
Trong thời gian này, phạm nhân Nguyễn Phúc Thành đang cải tạo tại trại giam Sông Cái, Ninh Thuận, đã làm đơn tố giác hai người bạn của mình (ngụ cùng địa phương, nghiện ma túy và thường xuyên trộm cắp tài sản) là hung thủ giết bà Bông. Từ đó, người cha già của ông Nén ròng rã kêu oan cho con.
Tháng 11/2014, HĐXX Giám đốc thẩm TAND Tối cao đã chấp nhận kháng nghị của VKSND Tối cao, tuyên hủy án sơ thẩm về phần tội danh và hình phạt với ông Nén để điều tra lại. Sau đó, Viện KSND tỉnh Bình Thuận đã bàn giao hồ sơ cho công an tỉnh này, đến nay vẫn chưa có kết luận cuối cùng.
Ngoài ra, ông Nén còn là một trong 9 người bị kết oán oan trong "kỳ án vườn điều" chấn động dư luận năm 1993 cũng tại xã Tân Minh, huyện Hàm Tân.
0 Nhận xét