Xe tăng T-62 của Việt Nam được
trang bị pháo chính 115mm mạnh mẽ, có thể vừa hành tiến vừa khai hỏa, là
loại tăng hiện đại nhất quân đội ta hiện nay.
Theo Tin moi 24h
Xe
tăng chiến đấu chủ lực T-62 là bước phát triển kế tiếp từ T-44 do cục
thiết kế OKB-520 phát triển, được sản xuất hàng loạt với số lượng hơn
22.000 chiếc tại nhà máy Uralvagonzavod và tại Tiệp Khắc, Triều Tiên
(theo giấy phép từ Liên Xô).
Sau khi ra đời, T-62 nhanh chóng trở
thành loại tăng tiêu chuẩn trong trong các đơn vị tăng và bộ binh cơ
giới của Liên Xô, từ từ thay thế cho loại T-54/T-55. Hiện nay, tuy T-62
không còn phục vụ hoặc phục vụ hạn chế ở Nga nhưng trên thế giới, vẫn có
nhiều quốc gia sử dụng T-62, trong đó có cả Việt Nam.
Theo các tài liệu Nga, đầu năm 1978,
Việt Nam đã đặt hàng 200 xe tăng T-62 từ Liên Xô, quá trình giao hàng
được thực hiện trong những năm 1978-1979. Phần lớn xe tăng T-62 của Việt
Nam được sản xuất tại Tiệp Khắc, một số được lấy từ trong biên chế quân
đội Liên Xô.
Xe tăng T-62 nặng 40 tấn, dài 9,34m,
rộng 3,3m, cao 2,4m. Giáp bảo vệ của xe vẫn là kiểu thép thông thường
như T-54/55 với mặt trước thân giày đến 102mm nghiêng 60 độ, mặt trước
tháp pháo lên tới 214mm (sau tăng lên 242mm với các xe sản xuất sau năm
1972). Đánh giá chung, so với T-55 thì T-62 có lớp giáp dày hơn nhưng là
không đủ để đối chọi với súng chống tăng, tên lửa chống tăng không
ngừng được cải tiến. Ở các biến thể nâng cấp sau này, người ta trang bị
thêm cho T-62 giáp phản ứng nổ ERA và hệ thống phòng vệ chủ động APS.
Sự cải tiến lớn nhất của T-62 so với
loại tăng T-54/T-55 là ở khẩu pháo 115mm nòng trơn bắn loại đạn sơ tốc
cao xuyên giáp (HV-APFSDS) với vận tốc đầu nòng lên tới 1.615m/s, tầm
hiệu quả 1,6km. Mặc dù cơ số đạn tùy thuộc vào mỗi nhiệm vụ, nhưng thông
thường với lượng đạn tiêu chuẩn 40 viên thì cơ cấu sẽ là 12 HV-APFSDS -
6 HEAT (đạn nổ mạnh chống tăng) - 22 HE (đạn nổ mạnh).
Cải tiến hơn T-54/55, T-62 còn có hệ
thống vứt vỏ đạn tự động nhờ vào kết cấu giật lùi của pháo chính, vỏ đạn
pháo sau khi được sử dụng sẽ được vứt ra ngoài thông qua một cái khe
phía sau tháp pháo.
Hỏa lực phụ gồm đại liên DShK 12,7mm trên nóc tháp pháo và súng máy đồng trục pháo chính 7,62mm PKT.
Về hệ thống trinh sát, điều khiển hỏa
lực, đa phần các mẫu T-62 sử dụng hệ thống kính nhìn đêm, thiết bị lái
cũng như hệ thống kiểm soát hỏa lực giống như T-54/55. Mặc dù một số
chiếc xe tăng T-62 được tích hợp thiết bị quan sát đêm thụ động thay cho
thiết bị ngắm IR chủ động của pháo thủ, và thiết bị đo xa laser cũng
được sử dụng thay cho thiết bị đo quang học.
Cũng giống như T-55, T-62 sử dụng động
cơ diesel V-12 580 mã lực, giúp cho nó có thể hành trình quãng đường
320km trên địa hình khó khăn hay 450km trên đường tốt, nếu sử dụng bình
xăng phụ 200L thì quãng đường tương ứng sẽ là 450km cho đường xấu và
650km cho đường tốt. T-62 còn sử dụng chung hệ thống thông hơi và tạo
khói ngụy trang với dòng T-54/T-55, cũng như chia sẻ hệ thống dò tìm
phóng xạ PAZ trên T-55.
Bánh xích xe được thiết kế với 5 bánh
chịu lực, trong đó 3 bánh đầu tiên được lắp gần nhau trong khi khoảng
cách giữa bánh thứ 3,4,5 là lớn hơn một chút. Đĩa xích nằm ở phía sau
trong khi bánh dẫn hướng nằm ở phía trước, và T-62 không sử dụng các con
lăn hỗ trợ.
Nguồn: Tin Tuc
0 Nhận xét